Tags

, , , , , , , , , , ,


Mật danh 602
QĐND – Thứ Năm, 07/08/2008, 20:49 (GMT+7)

Nơi ấy là túi bom, đồng thời là bãi tập kết xe trước giờ xuất kích. Cây rừng bom phạt gẫy tướp xơ. Một số thân cây còn đang âm ỉ cháy. Tuy nhiên đây cũng là điểm duy nhất tập kết của lái xe, tranh thủ nghỉ chân trước giờ xuất kích.Người đàn ông đứng tuổi ngắm anh chàng lái xe tóc bù xù, miệng ngáp dài đang trèo lên võng, vẻ ái ngại:- Này anh bạn, khoan hãy ngủ. Đầu tóc tốt quá rồi, để mình tranh thủ cắt cho nào!- Quay vòng tăng chuyến mệt đứt hơi-nhưng mà thôi-đằng ấy cũng biết cắt tóc à?- Biết chứ!- Mình xem ông cầm “tông đơ” cũng ngon đấy chứ!Nói rồi anh chàng lái xe ngoan ngoãn ngồi lên hòm đạn. Chiếc khăn dù vừa quàng qua vai, đường tông đơ đã xoèn xoẹt xoèn xoẹt. Tiếng kéo tỉa ròn tanh tách. Tóc từng mảng rơi xuống. Anh lái xe thiếu ngủ, lại được tay nghề điêu luyện đưa những đường tông đơ chính xác và sắc ngọt, tựa như ru làm anh ta nhanh chóng ngủ gà, ngủ gật.- Cố gắng thức một chút, nhanh thôi mà!- Được, miễn là bóc đi những mảng tóc cho nhẹ cái đầu là được. Ở trong cái thung lũng bom này có con gái đâu mà cần làm duyên?Người cắt tóc không nói gì thêm và đưa chiếc gương tròn cho anh chàng lái xe soi, theo dõi.

– Ông bạn cắt thiện nghệ cứ như Chính ủy “602” ấy!

– Anh bạn được “602” cắt tóc rồi à?

– Chưa, nhưng cánh lính lái xe chúng mình đã có vài anh được vị ấy cắt tóc và “cạo gáy” cứ gọi là ngọt sớt!

– Nghe nói “602” trước ở Bộ tư lệnh Không quân, thường được đi với Bác Hồ, học được Bác tính tình rất bình dị, sâu sát, thương lính như chính bản thân mình vậy.

Anh chàng lái xe đã tỉnh ngủ, bắt chuyện, nhưng giọng nói vẫn còn mệt nhọc, rồi thở phào kết luận: Ôi dào, trong chiến tranh ác liệt, người ta cũng phải “nặn” ra một mẫu người “lý tưởng” như vậy để mà ngưỡng mộ, tôn thờ. Làm quái gì có con người như vậy? Ông thử nghĩ mà xem. Cán bộ binh trạm mới mang cấp hàm trung tá xuống đơn vị cũng oai vệ kinh khủng. Thủ trưởng các đơn vị cứ gọi là “xum xoe” chắp chân, chắp tay, dạ, thưa rối rít-huống chi ông này lại là thủ trưởng! Ít ra đi đâu cũng phải có vài, ba anh trợ lý và lính cảnh vệ “gác-đờ-co” đâu phải chuyện chơi.

– Nhưng nếu ông ấy là người đang cắt tóc cho mình, thì cậu nghĩ sao?

– Tôi nói thật nhá! Xem cái “nước da” ông bạn cùng lắm làm đến chức “tiểu đội trưởng coi kho” là cùng?

– Cậu tinh thật đấy! Mình ở kho KL này đã hơn 6 năm mới được đề bạt tiểu đội trưởng đấy!

– Hà hà! Tôi xem tướng quả không tồi đấy chứ! Ở Trường Sơn lâu như ông mà không công thần, như vậy là cũng có những nét đáng yêu đấy. Hôm nọ mình gặp thằng cha phóng viên nhiếp ảnh cùng quê, nó nói đầu năm 1973, tại nông trường cao su Vĩnh Linh, nơi bom B52 trải thảm liên tục, vậy mà cũng bị chính cái ông Chính ủy “602” đè ấn ra mà cắt tóc rồi còn bị cạo gáy: “Nghệ sĩ đích thực chính là ở cái tâm chứ không phải ở cái đầu hay bộ quần áo khác người”. Anh chàng phóng viên ngồi cắt tóc mà run như cầy sấy. Cũng may mà vừa cắt tóc xong, xuống hầm, bom đã trùm lên chỗ vừa ngồi cắt tóc. Thật hú vía! Chưa hết đâu, ông ta còn làm thơ. Thơ của ông ấy được phổ nhạc và in báo hẳn hoi nữa chứ!

– Vậy cậu có thuộc bài thơ nào của ông ấy không?

– Thuộc, thuộc một vài đoạn trong bài “Xe đi trên Trường Sơn”. Bài thơ có hai đoạn. Đoạn mở đầu ông ta viết:

Chào những đoàn dũng sĩ/Lái xe trên Trường Sơn/Đầu xanh mà tóc bạc/Vì lớp lớp bụi đường…

Tuy chỉ 4 câu nhưng nói được khí thế chiến dịch mà tuổi trẻ “tuổi xanh” là lính xung kích, đi trong gian khổ. Bụi đường lớp lớp, phủ dày lên thành “tóc bạc”. Nhưng đến 8 câu cuối theo tôi-thừa hai câu không cần thiết vì tác giả không để cho người đọc cảm thụ và suy nghĩ.

– Cậu có thuộc 8 câu thơ đó không?

– Sao lại không. Tám câu đó là khổ cuối cùng bài thơ gồm hai ý: Thông cảm, lý giải với cây rừng. Diễn tả không khí lạc quan của chiến dịch. Vừa nói, anh chàng lái xe đọc luôn:

Cảm ơn rừng cây xanh/Vì ta mà đầu bạc/Cây ơi hãy yên lòng/Trường Sơn đầy tiếng hát/Mà lòng ta vẫn xanh/Xe đi như dòng thác…

Nhưng, hai câu cuối cùng:

Có sợ chi đầu bạc/Vì miền Nam, miền Nam!

Là thừa không cần thiết. Tôi nói vậy, ông thấy thế nào?

– Giỏi quá. Riêng lĩnh vực thơ, cậu có thể là thầy của vị Chính ủy “602” được đấy!

Cậu lái xe khoái chí cười ha hả và không ngớt lời khen “tiểu đội trưởng coi kho”: “Xem ra ông cũng có năng khiếu văn học đấy chứ”!

Tiếng dao cạo đã đưa đến nhát cuối cùng. Anh chàng lái xe lim dim mắt, vẻ mãn nguyện và buột miệng hỏi luôn:

– Ông tên gì, cho mình xin chữ ký và địa chỉ lưu niệm!

Vừa lúc đó, tiếng còi xe con pin pin giục giã. Rồi có người tiến lại gần vẻ cung kính mời “ông thợ cắt tóc”:

– Thưa, đã đến giờ lên đường, mời Chính ủy lên xe!

Anh chàng lái xe chột dạ bám riết “tiểu đội trưởng coi kho” tay gãi đầu khẩn khoản:

– Thưa Chính ủy, em trót lỡ lời, xin thủ trưởng bỏ quá cho!

Chính ủy “602” mỉm cười và hỏi:

– Tên em là gì? Bao nhiêu tuổi? Quê ở đâu?

Vài ba ngày sau, nghe nói cậu ta được tuyên dương ở tiểu đoàn xe trước giờ ra trận.

Năm 1973, khi Hiệp định Pa-ri được ký kết. Ông được cấp trên điều động về tuyến sau nhận nhiệm vụ mới với quyết định: Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Trước khi rời chiến trường, ông còn tranh thủ đi thị sát chiến trường Tây-Nam. Và lần ấy!… xe bị trúng mìn, ông hy sinh ngày 9-4-1973 . Ông chính là Đại tá Đặng Tính, nguyên Chính ủy Binh đoàn Trường Sơn. Lễ tang đồng chí Đặng Tính được cử hành trọng thể tại Hà Nội.

HOÀNG KIM ĐÁNG (Cựu chiến binh 559)