Tags

, , , , , , , , , , ,


Chiến công quả cảm của anh hùng không quân Vũ Xuân Thiều
QĐND – Thứ Tư, 26/12/2007, 8:52 (GMT+7)

 IMG_0146
Bộ đội không quân đóng góp xứng đáng vào chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972. Ảnh tư liệu

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Xuân Thiều trước đây là một học sinh Trường phổ thông Chu Văn An, niên khóa 1959-1962. Bản chất hiền lành, giản dị, học giỏi, hay giúp đỡ bạn nên Vũ Xuân Thiều được mọi người quý mến. Tốt nghiệp trung học, Thiều trúng tuyển vào học khóa 7, ngành Vô tuyến điện Trường đại học Bách khoa. Khi đang chuẩn bị làm luận án tốt nghiệp, anh tình nguyện nhập ngũ, được tuyển chọn vào Binh chủng Không quân, được cử đi học lái máy bay MIG-21 ở Liên Xô trước đây từ giữa năm 1965.Đang học bay bên nước bạn, Thiều được tin, giặc Mỹ đã dùng máy bay B-52 đánh bom miền Bắc Việt Nam ở đèo Mụ Giạ, Quảng Bình từ ngày 12 tháng 4 năm 1966. Các đồng chí Phùng Thế Tài, Đặng Tính, Tư lệnh và Chính ủy Quân chủng Phòng không-Không quân khi gặp Bác Hồ đã hứa với Người, “cán bộ, chiến sĩ quân chủng quyết tâm vượt qua mọi khó khăn đánh thắng B-52”.

Các phi công Việt Nam cùng khóa học với Thiều, ai nấy đều thể hiện quyết tâm học bay thật tốt để nhanh chóng về nước chiến đấu, tiêu diệt nhiều máy bay địch, tìm cách đánh thắng được B-52 Mỹ.

Năm 1968 tốt nghiệp về nước, Thiều nhận nhiệm vụ chiến đấu tại Trung đoàn 921. Sau một thời gian, anh cùng các phi công Vũ Đình Rạng, Đinh Tôn… được điều về phi đội 5 huấn luyện bay và chiến đấu ban đêm.

Thời gian này, máy bay B-52 Mỹ liên tục ném bom rải thảm trên đường mòn Hồ Chí Minh nhằm ngăn chặn những hoạt động vận tải của binh đoàn 559 chi viện chiến đấu cho miền Nam. Cuối năm 1971, một số sĩ quan không quân được cử đến Quảng Bình, Vĩnh Linh nghiên cứu hoạt động chiến đấu của máy bay B-52. Một số đơn vị ra-đa cũng được điều đến đây nhằm bảo đảm cho các đơn vị phòng không, không quân chiến đấu đánh B-52 Mỹ.

Hồi 19 giờ ngày 4-10-1971, phi công Đinh Tôn nhận lệnh xuất kích đánh một tốp B-52 nhưng vì máy bay địch quay lại Thái Lan nên MIG – 21 của Đinh Tôn không được đánh B-52 địch lần ấy.

Đêm 20-11-1971, được thông báo có B-52, Vũ Đình Rạng nhận lệnh xuất kích từ sân bay Anh Sơn, phóng tên lửa trúng chiếc B-52 Mỹ do phi công Kalp Wetter Haln điều khiển.

Chiếc B-52 không rơi tại chỗ nhưng bị hỏng phải hạ cánh xuống sân bay Nakhon Phanomb ở Thái Lan, sau đó phải tháo rời đưa về Utapao.

Cuối tháng 12 năm 1972, Kalp Wetter Haln bay trên một B-52 khác, bị tên lửa ta bắn rơi tại Hà Nội, bị bắt làm tù binh đã khai với ta trường hợp B-52 của Kalp bị MIG-21 của Vũ Đình Rạng bắn rơi.

Ngày 14-12-1972 , Tổng thống Mỹ Ních-xơn thông qua kế hoạch dùng máy bay B-52 đánh Hà Nội và Hải Phòng. Từ 18-12, Mỹ bắt đầu chiến dịch tập kích đường không đánh phá Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố trên miền Bắc. Tối 27-12-1972, các phi công trực chiến đấu được thông báo có B-52 từ Mộc Châu đến. Lúc 22 giờ 30 phút, phi công Phạm Tuân nhận lệnh cất cánh từ sân bay Yên Bái, phát hiện mục tiêu, đã tăng tốc độ đạt 1.200km/g, bay lên độ cao 10.000m, phóng 2 tên lửa ở cự ly 2.000m, tiêu diệt chiếc B-52 số 2 rồi vòng gấp sang trái, hạ cánh an toàn xuống sân bay Yên Bái.

Rút kinh nghiệm đánh B-52 của phi công Vũ Đình Rạng và Phạm Tuân, thực hiện quyết tâm: “Bắn rơi B-52, bắt sống phi công B52 Mỹ”, Thượng úy phi công Vũ Xuân Thiều báo cáo với trung đoàn trưởng:

– Lần sau khi phát hiện B-52, xin phép cho tôi được xuất kích tiêu diệt. Bắn mà B-52 không rơi tại chỗ, tôi sẽ xin lao thẳng vào nó!

Và rồi cuối cùng, anh đã thực hiện được mơ ước cao đẹp ấy của mình.

Đêm 28-12-1972 , được thông báo có B-52, Vũ Xuân Thiều nhận lệnh xuất kích từ sân bay Cẩm Thủy. Lúc này nhiều sĩ quan cao cấp của quân chủng như Đào Đình Luyện, Trần Mạnh, Trần Hanh… đã có mặt tại Sở chỉ huy mặt đất. Anh Lê Thiết Hùng dẫn đường bay, hướng dẫn Vũ Xuân Thiều tiếp cận B-52 địch ở độ cao 10.000m. Thiều báo cáo về Sở chỉ huy mặt đất:

– Hồng Hà (mật danh Sở chỉ huy). Sao Mai (mật danh MIG của Thiều) đã thấy rõ Mây Đen (mật danh B- 52). Mây Đen bắt đầu thả khói vàng.

– Sao Mai. Tiếp cận công kích.

– Hồng Hà. Sao Mai đã công kích. Mây Đen chỉ bị thương. Sao Mai xin công kích lần 2. Quyết tiêu diệt Mây Đen.

– Sao Mai! Sao Mai!… Sao Mai! Sao Mai!…

– Không có tín hiệu trả lời. Ra-đa cũng mất tín hiệu.

Lúc này là 21 giờ 45 phút ngày 28-12-1972 .

Hôm sau, tỉnh đội Sơn La báo cáo: Đêm qua có một máy bay B-52 bị cháy rơi, một MIG-21 cũng rơi gần đó trên cánh đồng xã Tạ Khoa, Yên Châu, Sơn La. Một số phi công trong phi đội bay đêm nhận lệnh đến ngay Tạ Khoa, tìm đến khu vực chiếc B-52 Mỹ bị cháy rơi. Chiếc MIG-21 của Vũ Xuân Thiều nằm cách đấy không xa lắm. Đơn vị và nhân dân địa phương đã tổ chức trọng thể lễ an táng phi công Vũ Xuân Thiều tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Sơn La.

Anh em trong Trung đoàn, Sư đoàn, Binh chủng, Quân chủng xác định, sau khi phóng tên lửa, Vũ Xuân Thiều đã lao thẳng MIG của mình vào chiếc B-52 vừa bốc cháy. Cả hai chiếc máy bay đều đã bị rơi tại chỗ.

Sau này, hằng năm các bạn chiến đấu trong Quân chủng gặp nhau vẫn nhắc đến câu nói lịch sử của Thiều hôm rút kinh nghiệm đánh B-52: “Bắn mà B-52 không rơi tại chỗ là tôi lao thẳng vào nó…”.

Vũ Xuân Thiều đã thực hiện được quyết tâm và hoài bão cao đẹp của mình. Anh được tặng Huân chương Quân công hạng ba, sau đó được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Ở Hà Nội hiện nay đã có một đường phố mang tên Vũ Xuân Thiều.

Tháng 10 năm 2002, một số chuyên viên Cục Hàng Không dân dụng Việt Nam sang công tác bên Mỹ đã đọc cuốn sách “Không chiến trên bầu trời Bắc Việt” của nhà xuất bản Squadron, bang Tếch-dát trưng bày ở Viện Bảo tàng Bay Hoa Kỳ tại Oa-sinh-tơn. Các anh chị thấy trong cuốn sách nói nhiều đến chiến công của những phi công Nguyễn Văn Cốc, Trần Hanh, Phạm Tuân, Phạm Thanh Ngân, Phạm Ngọc Lan, Nguyễn Hồng Nhị, Nguyễn Đức Soát, Đinh Tôn, Vũ Ngọc Đỉnh, Nguyễn Tiến Sâm… và 3 phi công đã bắn rơi B-52 Mỹ: Vũ Đình Rạng, Phạm Tuân, Vũ Xuân Thiều.

Nói đến chiến công của Vũ Xuân Thiều, tác giả Istvan Toperczer viết:

“Hồi 21 giờ 41 phút ngày 28-12-1972, được thông báo có B-52, phi công Vũ Xuân Thiều nhận lệnh xuất kích từ sân bay Cẩm Thủy, theo chỉ huy của Sở chỉ huy mặt đất đuổi đánh tốp B-52.

Phát hiện mục tiêu trên bầu trời Sơn La, Thiều tiếp cận, phóng một tên lửa. B-52 trúng đạn. MIG-21 của Vũ Xuân Thiều bay sát rồi lao thẳng vào máy bay Mỹ, vỡ tan cùng chiếc máy bay B-52” .

Không phải đây là cuốn sách duy nhất ở Hoa Kỳ viết về chiến công của phi công Vũ Xuân Thiều. Đại tá Vũ Xuân Thăng, anh ruột liệt sĩ Thiều cho tôi xem bức thư của cháu anh, một sinh viên Việt Nam đang học bên Hoa Kỳ gửi về, kèm theo bài báo của một tác giả Mỹ viết về trận không chiến mà Thiều đã lao thẳng chiếc MIG-21 của mình vào chiếc B52-D của sĩ quan không quân Mỹ mang tên Lewis trên bầu trời Sơn La đêm 28-12-1972.

Trên căn gác nhà 21 Đặng Dung, Hà Nội, nơi Vũ Xuân Thiều trước đây vẫn hằng ngày đạp xe đi học tại Trường Chu Văn An, Trường đại học Bách khoa, vợ chồng Đại tá Vũ Xuân Thăng đã đưa tôi xem nhiều lưu niệm của Vũ Xuân Thiều khi anh còn học tại Trường Chu Văn An, Trường đại học Bách khoa, nhiều sách, báo viết về chiến công của Anh hùng Liệt sĩ Vũ Xuân Thiều, nhiều kỷ vật của Thiều hoặc nói về Thiều mà gia đình còn giữ. Trong những kỷ vật đáng quý đó có mảnh xác chiếc B-52 Mỹ đã bị MIG của Thiều tiêu diệt trên không phận Sơn La, được đơn vị chiến đấu của Thiều gửi tặng.

Kim chiếc đồng hồ Quân chủng tặng gia đình đặt bên bàn thờ Vũ Xuân Thiều đã được đặt cố định ở 9 giờ 45 phút (đêm), cái thời điểm vinh quang mà người phi công anh hùng Vũ Xuân Thiều đã anh dũng hy sinh.

ĐỖ SÂM